Khi lo lắng, bạn sẽ chẳng làm được điều gì hữu ích, chân tay bải hoải, đầu óc nghĩ ngợi lung tung cả ngày.
Lo âu có thể khiến một người có thể chất khỏe mạnh nhất đổ bệnh chỉ trong một thời gian ngắn.
Mỗi khi cảm thấy ưu tư, hãy ôn lại các nguyên tắc cơ bản được trích dẫn từ cuốn sách "Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống" của Dale Carnegie do Nguyễn Hiến Lê dịch để cảm thấy tâm hồn nhẹ nhàng, khoáng đạt hơn.
Sống ngày nào riêng biệt với ngày ấy.
Khóa chặt dĩ vãng và tương lai lại để sống trong cái phòng kín mít của ngày hôm nay.
Đóng quá khứ lại! Để cho quá khứ đã chết rồi tự chôn nó.
Để cho gánh nặng của ngày mai đè thêm vào gánh nặng hôm qua và hôm nay, thì kẻ mạnh nhất cũng phải quỵ.
Đóng chặt tương lai cũng như đóng chặt dĩ vãng lại. Tương lai là hôm nay... Không có ngày mai.
Đừng lo tới ngày mai vì ngày mai ta phải lo tới công việc của ngày mai. Ta chỉ lo tới hôm nay thôi cũng đủ khổ rồi.
Câu đó khuyên đừng "lo" tới ngày mai chứ không phải là đừng "nghĩ". Bạn cứ nghĩ tới ngày mai đi, cứ cẩn thận suy nghĩ, dự tính, sửa soạn đi nhưng đừng lo lắng gì hết.
Đời sống là một cuộc biến đổi không ngừng. Chúng ta chỉ chắc chắn một điều là ta đang sống trong hiện tại. Thế thì tại sao lại nằng nặc đòi giải quyết những vấn đề về tương lai, để làm phai mờ cái đẹp của hiện tại? Tương lai còn bị bao phủ trong những biến dịch không ngừng, những biến dịch mà không ai đoán được kia mà!
Những công việc ở ngay trước mặt ta phải được coi là quan trọng nhất, và đừng bận tâm tới những công việc còn mờ mờ từ xa.
Hãy coi cuộc đời như cái đồng hồ cát.
Phần trên đồng hồ có đựng hàng ngàn hột cát. Những hột cát ấy, đều lần lần liên tiếp nhau, chui qua cái cổ nhỏ ở giữa để rớt xuống phần dưới.
Không có cách gì cho nhiều hột cát chui cùng một lúc được, trừ phi là đập đồng hồ ra.
Buổi sáng, thức dậy, ta có hàng trăm công việc phải làm trong nội ngày.
Nhưng nếu chúng ta không làm từng việc một, chậm chạp, đều đều như những hột cát chui qua cái cổ đồng hồ kia thì chắc chắn là cơ thể và tinh thần ta hư bại mất.
Bước 1. Bạn tự hỏi: Cái tai hại nhất có thể xảy ra được là gì?
Bước 2. Nếu không tài nào thoát được thì sẵn sàng nhận đi.
Sự lo lắng có cái kết quả khốc hại là làm cho ta mất khả năng tập trung tư tưởng.
Khi ta lo, óc ta luôn chuyển từ ý này qua ý khác, và cố nhiên ta mất hẳn năng lực quyết định.
Khi ta đã chịu nhận sự chẳng may nhất thì ta có còn gì để mất nữa đâu, và như vậy tức là ta tự đặt vào một tình thế chỉ có lợi mà vô hại.
Tức thì tinh thần ta trở nên thảnh thơi bình tĩnh, từ đó ta suy nghĩ được.
Bước 3. Bình tĩnh dùng hết thì giờ và nghị lực để kiếm cách giảm bớt cái hại của những kết quả mà ta đã cam lòng chịu nhận.
Bước 1. Thu thập những thông tin liên quan đến vấn đề.
Phân nửa những nỗi lo lắng của loài người là do người ta cứ ráng tìm một quyết định trước khi thu thập đủ những thông tin để làm nền tảng cho quyết định đó.
Thiếu thông tin, chúng ta chỉ có thể quay cuồng trong sự hỗn độn mà thôi.
Nếu ta đã thu thập được đủ các thông tin thì giải pháp tự nó tới, khỏi phải kiếm.
Nếu dùng hết thời giờ vào việc tìm tòi những thông tin một cách vô tư khách quan thì khi nhận thức những thông tin ấy, ưu tư sẽ tan lần đi.
Có hai cách giúp bạn thu thập thông tin một cách sáng suốt và khách quan:
1. Khi ráng kiếm thông tin, ta làm như thu thập nó không phải cho ta mà cho một người khác.
2. Hãy làm bộ như một luật sư bênh vực cho quan điểm ngược với quan điểm của mình. Rồi chép lại cả những lý lẽ thuận lẫn những lý lẽ nghịch.
ÁP DỤNG
Giả sử tôi đang lo mình bị béo phì.
Bước 1. Tôi sẽ dành thời gian thu thập những thông tin liên quan đến chứng béo phì.
- Béo phì do ta ăn quá nhiều đồ ăn nhanh, đồ uống có ga
- Béo phì do ta lười vận động
- Béo phì cũng có thể do di truyền
- Béo phì gây nên nhiều bệnh như tiểu đường, tim mạch...
Bước 2. Phân tích những thông tin.
Thu thập hết những thông tin ở trên trái đất nầy cũng không ích lợi gì cho ta nếu ta không phân tích và giải đoán nó.
Phải viết những thông tin đó lên giấy thì mới phân tích chúng một cách dễ dàng được.
Chép những câu hỏi và trả lời lên giấy làm cho óc ta sáng suốt hơn.
Chỉ một việc chép thông tin lên giấy và đặt vấn đề một cách rõ ràng cũng đã giúp ta đi được một quãng đường dài tới một sự quyết định hợp lý rồi.
Mỗi lần lo lắng, hãy viết ra giấy hai câu hỏi sau và cả câu trả lời nữa:
1. Tôi lo cái gì đây?
- Viết rõ ràng lên giấy những nỗi lo của tôi.
2. Làm sao tránh được bây giờ?
- Dựa trên những thông tin thu thập được, viết ra những hành động tôi có thể làm được và những kết quả có thể xảy ra của mỗi hành động ấy.
ÁP DỤNG
Bước 2. Sau khi đã thu thập đầy đủ thông tin về chứng béo phì ở bước 1, tôi bắt đầu phân tích chúng bằng cách viết ra giấy:
1. Tôi lo cái gì đây?
- Tôi lo bị béo phì
2. Làm sao tránh được bây giờ?
- Từ những thông tin thu thập được bên trên, tôi dễ dàng viết ra một số hành động và kết quả có thể xảy ra như sau:
a/ Tôi có thể tránh đồ uống có ga bằng cách để một chai nước lọc trên bàn làm việc thay vì một lon nước ngọt hay cà phê. Nó sẽ giúp tôi giảm cân nhưng có lẽ không nhiều.
b/ Tôi có thể từ chối bớt những bữa tiệc với khách hàng. Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ làm ăn.
c/ Tôi cũng có thể chạy bộ vòng quanh công ty trong khoảng thời gian nghỉ trưa thay vì ngồi đọc báo. Điều này giúp tôi giảm cân đồng thời rèn luyện sức khỏe.
Bước 3. Quyết định, rồi hành động theo quyết định đó.
Sự quyết định là một điều rất quan trọng.
Chính sự không có lấy một mục đích nhất định, sự chạy loanh quanh hoài, như điên như khùng nó sinh ra bệnh thần kinh suy nhược và biến đổi đời sống của ta thành một cảnh địa ngục.
Khi đã quyết định và bắt đầu hành động rồi thì đừng lo nghĩ gì về kết quả ra sao nữa.
Đừng đương hành động mà ngừng để xem xét lại nữa.
Đừng do dự, lo lắng hoặc đi trở lùi.
Đừng quay lại ngó về phía sau.
Cứ suy nghĩ hoài về những vấn đề của ta, chỉ làm cho ta hoang mang và thêm lo.
ÁP DỤNG
Bước 3. Từ danh sách những giải pháp được ghi chép rõ ràng trên giấy ở bước 2, tôi dễ dàng so sánh, cân nhắc, và lựa chọn ra giải pháp tốt nhất: Tôi sẽ chạy bộ mỗi ngày.
Tức thì tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhàng thư thái.
Tôi nghiệm 50 phần trăm những nỗi lo lắng của tôi tiêu tan đi, khi tôi quyết định một cách chắc chắn, rõ ràng và khi tôi thi hành quyết định đó thì 40 phần trăm nữa cũng biến mất.
Chúng ta hãy để cho tâm trí không còn chỗ cho sự lo lắng.
Hãy luôn giữ cho bản thân mình bận rộn, vì lúc đó chúng ta sẽ quên mất những điều chúng ta đang lo lắng.
Trong lúc làm việc không ngơi tay, phần lớn chúng ta đều không phải khổ tâm vì suy nghĩ.
Thế nhưng trong khoảng thời gian thảnh thơi sau giờ làm việc là rất nguy hiểm.
Thời gian dành cho việc nghỉ ngơi vui vẻ ấy cũng chính là lúc sự lo lắng, buồn phiền dễ len lỏi vào tâm trí chúng ta nhất.
Lúc đó óc tưởng tượng của bạn hỗn loạn. Bạn tưởng tượng được cả những cái vô lý, lố bịch nhất, và phóng đại cả những lỗi lầm cực nhỏ.
Vậy thì muốn trị chứng lo buồn không gì bằng kiếm việc gì ích lợi để rồi say sưa làm việc đó.
Chúng ta thường dễ dàng để cho những chuyện lặt vặt làm ta điên đảo mà đáng lý ta nên khinh và quên nó đi.
Chúng ta oán ghét, thịnh nộ, chỉ vì chúng ta coi nó quan trọng quá.
Chúng ta chỉ còn sống được vài chục năm trên trái đất này, thời khắc bất tái lai, cớ sao bỏ phí bao nhiêu giờ để ấp ủ trong lòng những ưu tư bất bình không quan trọng mà chỉ một năm sau là người khác và cả ta nữa đều quên hết.
Đời người tựa bóng câu, hơi đâu mà nghĩ tới những chuyện lặt vặt.
Làm sao mà cưa, xẻ mạt cưa được, vì nó đã vụng như cám rồi...
Quá khứ cũng vậy!
Khi ta ưu tư về những chuyện đã qua, hối tiếc khi đã muộn, ấy là ta đem đống mạt cưa ra mà cưa, xẻ vậy.
Chẳng hạn như khi ta làm đổ một ly sữa; ta có dằn vặt và bứt tóc cũng không thể thu lại được một giọt.
Suy nghĩ một chút, cẩn thận một chút thì có lẽ chỗ sữa đó đã không mất.
Bây giờ trễ quá rồi và ta chỉ còn có thể quên phứt nó đi và bắt đầu làm việc khác.
Hành động có vẻ như theo sau tư tưởng, nhưng sự thật thì cả hai cùng đi với nhau và khi chúng ta chế định hành động thì chúng ta có thể chế định tư tưởng một cách gián tiếp được.
Như vậy nếu mất sự vui vẻ mà muốn chuộc lại thì cách chắc chắn nhất có thể làm được là tỏ ra một thái độ vui vẻ, và hành động, nói năng như là sự vui vẻ đã tới rồi.
Thử hãy mở miệng ra cười lớn, hãy hồn nhiên vui vẻ, hãy ưỡn ngực hít một hơi dài rồi ca lên một khúc. Nếu không ca được thì huýt sáo, nếu không huýt sáo được thì ngâm nga.
Tinh thần không thể nào buồn ủ rũ trong khi hành động tỏ một nỗi vui chói lọi.
Khi ta thù oán ai tức là ta đã cho họ diệp ảnh hưởng đến đời ta: ảnh hưởng đến giấc ngủ, đến cái thú ăn, đến tiềm lực, đến sức khỏe và sự yên tĩnh trong tinh thần của ta. Bọn cừu nhân chỉ cần biết chúng đã làm ta phải băn khoăn, phải bứt rứt là nhảy lên vì sung sướng.
Nếu những kẻ ích kỷ tìm cách lừa dối bạn, thấy bạn tử tế lại làm quá, thấy bạn tin lại lừa đảo, thì bạn đừng giao du với chúng nữa, coi chúng như không có, nhưng chớ nên tìm cách trả đũa lại. Khi bạn nghĩ cách để trả thù tức là bạn đã tự làm mình đau đớn hơn là bạn làm đau đớn kẻ bạn định tâm hại.
Bạn không biết rằng kẻ thù của ta sẽ xoa tay sung sướng khi biết vì tức giận họ mà ta cáu kỉnh, héo hắt, kém sắc, đau tim và rất có thể sẽ giảm thọ sao?
Nếu ta không thể yêu được kẻ thù, làm tốt cho họ, thì ít ra ta cũng phải yêu lấy ta chứ? Ta phải yêu ta, khiến họ không thể làm chủ hạnh phúc, sức khỏe và những nét nhăn trên mặt ta được chứ?
Phương pháp chắc chắn nhất để quên kẻ thù là ta để hết sức lực, trí não phụng sự một chính nghĩa cao cả hơn bạn thân ta. Lúc đó, những lời thoá mạ, những hành động của người khác để hại ta sẽ chẳng quan hệ chút nào vì ta đã quyết định bỏ ngoài tai những điều không trực tiếp liên quan đến chính nghĩa mà ta phụng sự.
Ai gieo gió sẽ gặp bão và định mệnh bao giờ cũng làm cho những người phạm lỗi phải chịu quả báo về những lỗi lầm của họ. Dần dà, mỗi người sẽ phải trả nợ những hành động vô luân thường đạo lý mà y đã phạm. Kẻ nào ghi vào đầu thực lý này sẽ không bao giờ nổi nóng với ai, và sẽ không oán trách, không thóa mạ, không ghét bỏ một người nào hết.
Đừng phí phạm thì giờ, dù là một phút đi nữa, để nghĩ đến những người mà bạn không ưa.
Loài người vong ơn là điều rất tự nhiên.
Vậy chúng ta cứ mong có người đáp ơn ta thì chúng ta sẽ tự rước lấy nhiều nỗi đau lòng.
Ta nên nhớ rằng chỉ một cách để tìm hạnh phúc là đừng mong người khác nhớ ơn mình mà cứ cho phắt người ta đi, để được cái vui đã cho.
Ta nên nhớ rằng lòng biết ơn là một đức tính cần phải được bồi dưỡng; vậy muốn cho con cái ta có đức tính ấy, chúng ta phải làm gương cho chúng noi theo.
Chừng mười phần trăm những trường hợp xảy ra trong đời sống chúng ta là những trường hợp bất lợi. Muốn sung sướng ta chỉ cần chú trọng đến chín mươi phần trăm những trường hợp tốt đẹp và quên mười phần trăm trường hợp khổ cực đi.
Chúng ta ít khi nghĩ đến những cái chúng ta có, mà chỉ nghĩ đến cái mà chúng ta không có.
Mỗi sáng khi tỉnh dậy, tôi tự bắt tôi kiểm điểm lại mọi lý do để tôi phải sung sướng. Trong người không đau đớn, được nghe những điệu nhạc êm đẹp phát ra từ máy truyền thanh, có đủ hai mắt để nhìn, có đủ hai tai để nghe, được hưởng thú nằm đọc sách hàng giờ, thú ăn một bữa cơm ngon, có những người bạn tốt...
Cái thói quen chỉ trông thấy bề tốt của mọi việc còn quí giá hơn một ngàn Anh kim lợi tức một năm.
Không nên ngó nghiêng thậm chí ganh ghét hay đố kị với người khác.
Tự tìm hiểu và sống theo ý ta.
Bạn và tôi, ta có những tài cán riêng, vậy đừng mất công buồn bực vì nổi không được như người kia người nọ.
Trên địa cầu này, mỗi người chúng ta là một nhân vật mới mẻ, vì từ hồi khai thiên lập địa tới giờ, chẳng hề có người thứ hai nào giống ta như đúc, mà từ nay tới khi tận thế cũng không sao có được một người thứ hai y như ta nữa.
Trong sự giáo dục của một người, có một thời gian người đó nhận thấy rằng ganh tị là ngu, bắt chước là tự tử, rằng phận mình sao thì phải chịu vậy, rằng trong vũ trụ mênh mông đầy thức ăn này, người đó phải vất vả cày cấy miếng đất trời đã cho mình thì mình mới có được hột lúa ăn. Năng lực ở trong người ta là một năng lực mới mẻ và riêng biệt, không ai có hết, và ngoài ta ra không ai biết ta có thể làm được cái gì, mà chính ta, ta cũng không biết nữa, nếu ta không chịu làm thử.
Chấp nhận khó khăn và biến chúng thành cơ hội.
Điều cần thiết ở đời không phải là biết lợi dụng những thắng lợi. Kẻ ngu nào cũng biết vậy. Nhưng biết lợi dụng những thất thế mới là điều cần thiết. Muốn được vậy phải thông minh và chính cái thiên tư đó phân biệt người khôn với kẻ ngốc.
Phần đông những nhân vật tài ba, sở dĩ hơn người là vì họ ra đời với một điểm bất lợi mà chính điểm bất lợi đó đã kích thích họ cố gắng một cách khác thường để đạt tới những mục đích cao cả.
Những nhược điểm của ta giúp ta một cách không ngờ.
Mỗi ngày làm một việc thiện để làm nở một nụ cười trên môi người quanh ta.
Tại sao làm một việc thiện mỗi ngày lại có ảnh hưởng tốt tới tâm hồn ta?
Vì khi nghĩ cách làm vui người khác, ta không nghĩ tới ta nữa, mà chính cái tật chỉ nghĩ tới mình đã làm cho ta ưu tư, sợ sệt và lo lắng.
Khi bị chỉ trích bất công, bạn nên nhớ rằng người xử với bạn cách đó thường chỉ để tỏ ra quan trọng.
Cũng có nghĩa là bạn đã làm sự gì đáng được chú ý và ghen tị.
Lời chỉ trích bất công thường là một lời khen che đậy.
Nhớ rằng không ai đá đồ chó chết cả.
Hãy cố gắng làm hết sức mình.
Sau lấy mũ nỉ che tai mà đi theo con đường đã vạch sẵn, mặc những lời thị phi của người đời.
Bị soi mói là lúc chúng ta đang có những điểm ưu thế hơn so với những người khác.
Hãy nhớ, không ai thèm soi mói vì một kẻ tầm thường.
Muốn gạt bỏ những lời chỉ trích như trên thì mỗi chúng ta phải làm thật tốt công việc của mình.
Làm tốt nhất những gì có thể; rồi bật chiếc dù của bạn lên để cơn mưa nhận xét không làm ướt gáy bạn.
Hãy ghi nhận và phân tích những điểm yếu của bản thân.
Trong quá trình làm việc không thể tránh khỏi những sai sót, những lỗi lầm vì thế mỗi người cần phải chấp nhận những yếu kém của bản thân để cố gắng khắc phục, sửa chữa vì con người không ai có thể hoàn hảo trong một sớm một chiều.
Muốn tốt đẹp phải hoàn thành mọi việc từ đơn giản dến phức tạp, từ nhỏ đến lớn thì lúc đó mới hi vọng sau này sẽ thành công, gặt hái những kết quá tốt nhất có thể.
Mệt mỏi gây ra những ưu phiền, hay nói cho đúng, ít ra cũng làm bạn mất mọi lợi khí để chống lại những nỗi buồn lo.
Ngăn ngừa mệt mỏi tức là ngăn ngừa u phiền.
Muốn tránh sự mệt mỏi và những nỗi ưu phiền, ta phải biết tĩnh dưỡng (đi nằm nghĩ) ngay khi thấy mình sắp mệt.
Nghĩ tức là thu hồi lại sức lực của mình.
Ngủ năm phút cũng có thể làm cho con người tránh mệt.
Thường xuyên nghỉ ngơi. Nghỉ trước khi mệt tức là kéo dài quãng thời gian bạn thức.
Trong khi làm việc, nên kiếm mọi tiện nghi cho thảnh thơi.
Trong khi đọc những dòng chữ này, bạn có cau mày lần nào không? Có thấy như nằng nặng ở khoản giữa hai con mắt không?
Nếu cả cơ thể của bạn không duỗi ra mềm như bún thì chính bạn đương làm cho bộ thần kinh và bắp thịt căng thẳng đấy.
Mà trong khi làm việc bằng tinh thần, cần gì phải bắt thần kinh và bắp thịt căng thẳng một cách vô ích như thế?
Muốn cho thần kinh khỏi mệt nhọc phải làm sao? Phải học cách cho bắp thịt nghỉ ngơi.
Ví dụ muốn cho mắt nghỉ thì bạn bạn nhắm mắt và nói thầm với cặp mắt: "Nghỉ đi, nghỉ đi. Đừng gắn sức nữa, đừng cau lại nữa. Nghỉ đi. Nghỉ đi." Bạn lặp đi lặp lại câu đó thiệt chậm trong một phút.
1. Đừng để trên bàn một thứ giấy tờ gì hết, trừ những giấy tờ liên quan tới vấn đề bạn đương xét.
Người ta không chết vì làm việc nhiều quá, mà chết vì hoảng hốt và lo lắng bởi việc nhiểu.
Chỉ trông thấy cái bàn đầy những thư từ chưa phúc đáp cùng những tờ phúc bẩm, báo cáo ta cũng đã rối trí, thấy mệt óc và buồn bực rồi.
2. Việc quan trọng và gấp thì làm trước.
3. Khi gặp một vấn đề, nếu có đủ thông tin để giải quyết rồi thì phải giải quyết ngay đi, đừng hẹn tới mai.
Ngày nào xong việc ngày ấy. Như vậy ta khỏi phải khổ tâm về những vấn đề chưa giải quyết.
4. Học tổ chức, trao bớt quyền hành cho người dưới để có thì giờ chỉ huy, kiểm soát.
Nếu cứ nhất định làm lấy hết thảy mọi việc, ta sẽ bị bù đầu rối óc vì tiểu tiết, vì lộn xộn, rồi sinh ra hấp tấp, lo phiền, bực bội.
Nếu bạn không ngủ được, hãy ngồi dậy đọc sách hoặc làm việc cho tới khi buồn ngủ.
Nên nhớ rằng không có người nào chết về thiếu ngủ hết.
Sự lo lắng về mất ngủ làm hại sức khỏe hơn là sự mất ngủ.
Rán tụng niệm.
Điều kiện thứ nhất để ngủ ngon là phải thấy được yên ổn.
Chúng ta cần cảm tưởng rằng có một quyền lực nào đó mạnh hơn ta, che chở ta tới sáng.
Để cho cơ thể duỗi ra. Đọc cuốn "Nghỉ ngơi cho thần kinh khỏi căng thẳng".
Tập thể thao, làm việc nặng nhọc cho thiệt mệt, tới nỗi không sao chống lại được giấc ngủ nữa.
Nếu bạn chưa tới 18 tuổi, có lẽ bạn sắp phải quyết định hai việc quan trọng nhất trong đời bạn.
1. Bạn kiếm ăn cách nào? Làm một nông dân, một viên thư ký hay một giáo sư?
2. Bạn sẽ lựa người thế nào làm bạn trăm năm?
Cả hai sự quan trọng ấy thường được mọi người quyết định liều lĩnh như trong canh bạc.
May một bộ quần áo để bận vài năm thì họ đắn đo lắm, lựa một nghề định đoạt hết cả tương lai, hạnh phúc và bình tĩnh trong tâm hồn thì họ lại chẳng hề suy nghĩ!
Vậy phải làm sao? Trước hết, nếu có thể được, xin bạn rán lựa nghề mà bạn yêu.
Điều kiện quan trọng nhất để thành công là yêu công việc của mình, như vậy thì tuy làm hàng giờ mà có cảm tưởng mình chỉ giải trí.
Có biết bao nỗi lo lắng, ân hận, oán hờn sinh ra do sự oán ghét công việc phải làm.
Vài lời khuyên trong khi lựa nghề:
1. Lựa một nhà chuyên môn hướng dẫn bạn.
Họ phải có đủ tài liệu về các nghề nghiệp trước khi khuyên bạn, phải xét bạn nhiều lần rồi mới quyết định được.
Nếu họ chưa xét đi xét lại mà đã viết thư khuyên, bạn đừng thèm nghe.
2. Nơi nào mật ít ruồi nhiều thì đừng tới.
Có tới hàng ngàn cách kiếm ăn. Tuy nhiên, phần đông học sinh chỉ biết lựa có vài nghề trong số hàng ngàn nghề đó.
Vậy trách chi chẳng có vài nghề đặc nghẹt những người, trách chi họ chẳng chen vai thích cánh nhau mà không kiếm được chỗ, trách chi sự lo lắng về tương lai và nỗi sầu muộn chẳng hoành hành với họ.
3. Cũng đừng lựa những nghề mà mười phần bạn chỉ có một phần hy vọng để kiếm ăn được.
4. Trước khi quyết định lựa một nghề, bạn nên bỏ ra nhiều tuần, nhiều tháng để tìm hết các tài liệu cần biết về nghề ấy.
Bằng cách nào? Bằng cách phỏng vấn những người đã làm nghề ấy.
Bạn sẽ nhận được những lời khuyên vô giá và sau nầy khỏi phải phí nhiều năm thất vọng, đau lòng.
5. Bỏ ý nghĩ sai lầm rằng chỉ có thể có độc một nghề hợp với bạn thôi!
Bất kỳ người nào cũng có thể thành công trong nhiều nghề được.
1. Ghi những chi tiêu trên giấy.
2. Lập ngân sách thiệt đúng với nhu cầu của ta, như quần áo cắt khít với thân thể vậy.
3. Tiêu tiền một cách khôn khéo.
4. Đừng để chứng nhức đầu tăng theo lợi tức.
5. Nếu phải đi vay thì rán có cái gì để bảo đảm món nợ.
6. Bảo hiểm về bệnh tật, hỏa hoạn và mọi tai họa bất thường khác.
7. Đừng cho vợ con lãnh hết một lần số tiền bảo hiểm nhân mạng của bạn.
8. Dạy cho con biết giá trị của đồng tiền.
9. Nếu cần, nên làm thêm việc để kiếm phụ bổng.
10. Đừng bao giờ đánh bạc hết.
11. Nếu không làm sao cho tài chánh khá hơn được thì cũng cứ vui vẻ, đừng đày đọa tấm thân mà uất ức vì một tình cảnh không sao thay đổi được nữa.