Giới Thiệu
Người Phật tử, nếu chỉ thờ, lạy và cúng Phật, thì cũng chưa có thể gọi là thuần thành. Người Phật tử thuần thành còn phải tụng kinh, trì chú và niệm Phật.
Tụng Kinh
Tụng kinh là đọc một cách thành kính những lời đức Phật đã dạy trong kinh điển, hợp với chân lý và căn cơ của chúng sinh. Đồng thời để cho tâm và khẩu được hợp nhất vào câu kinh, tiếng pháp của Phật.
Khi tụng kinh, chúng ta buộc phải chú ý từng lời, từng chữ trong kinh, dồn hết tâm trí vào kinh để tụng cho đúng. Nhờ đó tâm chúng ta từ từ bớt xao xuyến, bớt loạn động. Đó là hiệu quả của việc tụng kinh.
Trì Chú
Trì là nắm giữ một cách chắc chắn. Chú là lời bí mật của chư Phật mà chỉ có chư Phật mới hiểu được.
Các bài chú đều có oai thần và công đức không thể nghĩ bàn, dứt trừ được nghiệp chướng, tiêu tai giải nạn và tăng trưởng phước huệ, nên cũng gọi là thần chú.
- Chú Đại Bi là thần chú quảng đại viên mãn, thần chú vô ngại đại bi, thần chú cứu khổ. Trí chú này thì diệt vô lượng tội, được vô lượng phước và chết thì sinh cực lạc.
- Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú có hiệu lực làm cho tiêu trừ các hoạn nạn, tai chướng, được gặp những điều lành.
- Lăng Nghiêm Thần Chú phá trừ những ma chướng và nghiệp báo nặng nề.
- Phật Mẫu Chuẩn Đề Thần Chú trừ tà, diệt quỷ.
- Thất Phật Diệt Tội Chơn Ngôn có công năng tiêu trừ tội chướng của chúng ta từ nhiều đời nhiều kiếp.
Niệm Phật
Niệm là tưởng nhớ. Niệm Phật là tưởng nhớ danh hiệu Phật, hình dung Phật và đức hạnh của Phật, để luôn luôn cố gắng noi theo bước chân Ngài.
Tâm chúng ta rất điên đảo, không bao giờ dừng nghỉ. Kinh thường nói: "Tâm viên, ý mã", nghĩa là "tâm" lăng xăng như con vượn nhảy từ cành này qua cành khác, và "ý" như con ngựa chạy lung tung luôn ngày suốt buổi.
Làm sao cho tâm ý chúng ta đừng nghĩ xằng bậy? Chỉ có một cách là bắt nó nghĩ những điều tốt lành, hay đẹp.
Niệm Phật chính là nhớ nghĩ đến những điều hoàn toàn tốt đẹp, những hành động trong sáng, những đức tánh thuần lương.
Càng niệm Phật nhiều chừng nào thì ít niệm ma chừng ấy. Ma ở đây là tất cả những gì xấu xa đen tối, làm hại mình hại người. Vì thế chúng ta nên luôn luôn niệm Phật.
Kết Luận
Người Phật tử có thể tùy theo trình độ, hoàn cảnh của mình mà áp dụng một, hai hay cả ba phương pháp trên.
Thí dụ như người biết chữ và mạnh khoẻ, công ăn việc làm hằng ngày không bận rộn lắm, thì nên tụng kinh, trì chú, niệm Phật đủ cả ba pháp môn.
Còn người tuổi già, sức yếu, mắt mờ, răng rụng, miệng lưỡi phều phào, thân thể mỏi mệt, nếu tụng kinh, trì chú không nổi, thì phải chuyên tâm niệm Phật, đi đứng nằm ngồi, lúc nào cũng phải niệm Phật.
Nhưng các Phật tử nên nhớ, khi miệng tụng kinh, trì chú, niệm Phật, tay gõ mõ, đánh chuông, lần chuỗi, thì tâm trí phải gột rửa hết bao ý nghĩ bất chính, những ham muốn đê hèn và tạc vào đấy hình ảnh của Đấng Từ Bi.
Rồi phải noi gương Ngài, mở lòng thương rộng lớn, nghĩ đến nỗi thống khổ của muôn loài và phát nguyện đem sức mình ra, ban vui cứu khổ cho tất cả.
Đến khi thôi tụng niệm, trở lại tiếp xúc việc đời, thì phải làm thế nào cho những hành động của mình cũng được từ bi như tư tưởng và lời nói của mình vậy.